Hậu Trường Nghề PG

Một công việc thu nhập tốt, không đòi hỏi cao về trình độ, chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại hình và giao tiếp... nghề PG trở thành lựa chọn “vàng” dành cho học sinh, sinh viên và cả những người không bằng cấp.

Thu nhập cao, ăn mặc như người mẫu và làm việc ở nơi lịch sự - đó là những gì người ta có thể hình dung về những cô gái làm nghề PG (Promotion Girl - các cô gái quảng cáo cho hình ảnh một sản phẩm, sự kiện). Tuy vậy, công việc lại đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe; mà dân trong nghề thường đùa nhau: “ khó như tuyển người mẫu, diễn viên”.

Đối với công việc quảng cáo giới thiệu sản phẩm - doanh nghiệp, yêu cầu của PG là khuôn mặt ưa nhìn và cao trên 1m60; còn trong các buổi Event thì cần chiều cao từ 1m65 trở nên và không thể bỏ qua “điều kiện cần” là gương mặt ưa  nhìn.

Nếu so với khoảng thời gian khi nghề PG mới xuất hiện ở Việt Nam thì đã có những thay đổi trong yêu cầu nghề nghiệp, cách làm việc và quan niệm làm nghề. “Hồi đầu, yêu cầu chiều cao từ 1m55, không cần xinh mà cần nhìn được thôi. Nhưng bây giờ không còn dễ thế, các công ty tuyển chọn rất kỹ , vì nhiều người cạnh tranh và coi là nghề kiếm tiền thực sự chứ không đơn thuần là làm thêm”, Phạm Bích Ngọc một PG đã có tới 8 năm kinh nghiệm bày tỏ.

Ngọc bắt đầu công việc khi là sinh viên năm thứ 2, Học Viện QHQT và “lứa” của cô được coi là những người đầu tiên làm nghề PG ở Việt Nam. Lúc đó, công việc không mang tính cạnh tranh và yêu cầu khắt khe như hiện tại nhưng thu nhập thấp hơn rất nhiều. Cũng một ca làm 6 tiếng, ngày trước tụi cô chỉ nhận được 50.000 - 55.000 đồng, mức lương hàng tháng của người chăm chỉ làm thêm cả ngày nghỉ là 500.000 -600.000 đồng.

Bây giờ số tiền thu về của một PG cao gấp 5-6 lần. “Nghề này thu nhập 3-4 triệu đồng một tháng là bình thường. Còn ai tích cực nhận “sô” thì có thể bỏ túi 7- 8 triệu không mấy khó khăn”, một PG bật mí.

Hầu như ai làm PG đều rất ham mê, không đơn giản chỉ vì thu nhập mà bởi những lợi thế nghề PG mang lại. PG có thể tự hào về mức độ “sành điệu” của mình: họ đến hầu hết những khách sạn tầm cỡ 4-5 sao, gặp gỡ khách VIP, nói chuyện với người nổi tiếng và thưởng thức không ít “cao lương mĩ vị”… Rõ ràng với một công việc “béo bở”không đòi hỏi cao về trình độ, chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại hình và giao tiếp thì nghề PG trở thành lựa chọn “vàng” dành cho học sinh, sinh viên và cả những người không có bằng cấp. 

PG được nhiều người coi là nghề dễ làm và nhàn hạ. Nhưng mấy ai biết những gian nan trong nghề. Khi bắt đầu ai cũng phải luyện kungfu “chân cứng đá mềm”. Vì yêu cầu công việc, PG phải đi dép cao từ 6– 10 cm để “tôn dáng” nhưng dù thành thục thì việc một ngày đứng liên tục mấy ca (6 tiếng một ca) trên một đôi dép cao gót vẫn là cực hình.

“Ngày đầu tiên, mình cảm giác chân như bị cứa vì đau nhức và bắp chân sưng tấy. Ngày nào cũng  phải chườm nước nóng, ngâm chân, xoa bóp, mấy ngày sau còn đi cà nhắc”, Phương Linh, PG tự do bộc bạch. Công việc của các PG chủ yếu là đứng: đứng giới thiệu sản phẩm, đứng phát tờ rơi, thậm chí đứng trong khi mọi người dự tiệc… nên nhẹ là đau nhức chân, còn duy trì trong thời gian dài thì nguy cơ mắc bệnh liên quan đến cột sống rất cao.  

“PG là nghề mang tính thời vụ. Mặc dù công việc và mức lương rất hấp dẫn nhưng PG lại không thể là nghề có thể gắn bó lâu dài và khi bạn quá ham mê, bạn có thể đánh mất nhiều cơ hội khác, bỏ lỡ việc học hành với bằng cấp tử tế để có một công việc ổn định sau này. Mình nghĩ, khi gia nhập vào đội quân PG thì bạn nên sắp xếp thời gian cho công việc, học tập và cuộc sống cho hợp lý”.

Với mỗi PG, ngoại hình vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là lợi thế nhưng cũng mang lại không ít phiền toái. Khi xuất hiện trong các chương trình, PG luôn duyên dáng và nổi bật nhất nên không tránh khỏi những khách hàng nam trêu đùa, có hành động bất nhã. “Có khi ức đến phát khóc nhưng mình vẫn  phải lịch sự, nhã nhặn, còn to tiếng với khách là mất việc ngay”, Đặng Phương Yến (sinh viên Cao đẳng Du Lịch), một PG đã có 4 năm trong nghề chia sẻ kinh nghiệm.

Vì PG là người đại diện cho hình ảnh của sản phẩm và công ty nên chỉ cần một sơ suất nhỏ trong giao tiếp cũng khiến cả chương trình và công sức của họ “tan thành mây khói”. Nghề PG yêu cầu phải trang điểm, ăn mặc đẹp và luôn ra khỏi nhà vào những giờ “bất thường” nên không tránh khỏi bị mọi người “lời ra tiếng vào”.

Thu Thảo (ĐH KHXH & NV Hà Nội, quê Hải Phòng) lúc mới vào nghề luôn có ý nghĩ bỏ việc vì bị bạn bè “xì xầm” là “gái gọi cao cấp” nhưng dần mọi người cũng hiểu và Thảo còn kéo được mấy cô bạn làm cùng nữa.

Trong nghề còn có những tình huống “dở khóc dở cười” vì chuyện PG “chạy sô như ca sĩ”. Với tiền công hấp dẫn từ 150.000 - 200.000 một ca cho những chương trình bình thường, 500.000-600.000 đồng một ca cho các buổi Event nên các PG luôn tính toán để không cho thoát bất kỳ hợp đồng nào. Cũng vì thế mà chuyện “trùng ca” , “bể ca”, mất hợp đồng và cũng luôn mất uy tín trong “làng PG ” là điều khó tránh khỏi.

Tệ hơn, khi quá mải kiếm tiền, nhiều PG là sinh viên sẽ không có đủ thời gian để chăm lo học tập, nên chuyện thi lại, học lại là điều khó tránh. Hơn nữa, cơ hội để ổn định với nghề PG là rất mong manh vì nghề này vốn mang tính thụ động và thời vụ. Với yêu cầu và tính chất công việc, tuổi thọ của nghề chỉ khoảng  8 - 9 năm ( từ 17 đến 25 tuổi); và qua độ tuổi đó “bạn sẽ thấy mình già và tự đào thải ra khỏi nghề”.

Hầu hết các PG đều lập thành nhóm, và người trưởng nhóm sẽ làm nhiệm vụ liên hệ công việc với các công ty và tập hợp các thành viên. Nên mới có chuyện khi còn trong nghề, một PG có thể làm cho 10 công ty nhưng đến khi “giải nghệ” họ lại không trở thành nhân viên chính thức của công ty nào

Theo http://vancong.com.vn

-------------------------

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này.
Cùng cập nhật hàng trăm việc làm mới mỗi ngày tại pgworks.vn