Kỹ năng mềm: 90% sinh viên, nhân viên thiếu những kĩ năng cần thiết

Kỹ năng mềm: 90% sinh viên, nhân viên thiếu những kĩ năng cần thiết

Tuy đã được nhà tuyển dụng chú trọng phát triển hơn, nhưng theo khảo sát thì 90% sinh viên, nhân viên thiếu những kĩ năng cần thiết trong công việc. Điển hình như kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, ngôn ngữ, kỹ năng đa nhiệm và xử lí thông tin,...

Hầu hết các nhà quản lý và nhà tuyển dụng đều than phiền nhân viên trẻ thiếu và rất yếu về kỹ năng mềm, đa số không đáp ứng được yêu cầu công việc dù họ có bằng cấp rất tốt… Họ cho rằng 80% sự thành công của một cá nhân là nhờ vào kỹ năng mềm chứ không phải “kỹ năng cứng” (kiến thức chuyên môn). Song thực tế, việc đào tạo kỹ năng mềm trong nhà trường hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi đó nhiều sinh viên cũng chưa ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của kỹ năng mềm.

Anh Trần Trọng Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty VINAPO nhấn mạnh “Có thể nói 90% sinh viên sau khi ra trường hầu như không có kĩ năng mềm. Bằng cấp là quan trọng nhưng năng lực thật sự và kinh nghiệm của các bạn mới là yếu tố quyết định”.

Ông Trần Thanh Liêm đến từ Tổng công ty điện lực TP.HCM, nói rằng nhiều sinh viên tốt nghiệp rất yếu kém kĩ năng, đặc biệt là thuyết trình và giao tiếp. “Những sinh viên kĩ thuật rất giỏi về kiến thức nhưng khi đi dự hội thảo nước ngoài lại nghe không được, nói không xong và viết cũng không nổi. Ngoài ra, khả năng làm việc nhóm cũng rất kém”

Theo ông Masaki Yamashita, Tổng giám đốc ngân hàng Mitsibishi UFJ Việt Nam, hầu hết các công ty, doanh nghiệp nước ngoài đều bất mãn với nguồn nhân lực của Việt Nam vì kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm của người Việt Nam rất kém: “Tôi rất tiếc là các SV học được rất nhiều ở trường, nhưng để chuyển giao kiến thức thành kỹ năng làm việc lại không làm được, không áp dụng được thực tế và khi có một vấn đề gì, các bạn cũng không nói chuyện hay trao đổi được với cấp trên”

Đại diện công ty Tân Hiệp Phát cho hay, đã phỏng vấn 200 sinh viên ở một trường đại học, nhưng chỉ tuyển dung được 10 người. 160 người không sử dụng được do xa lạ với môi trường làm việc. Điều buồn hơn nữa, trong 10 bạn được đánh giá tốt nhất thì cũng chỉ đạt được khoảng 60% yêu cầu của doanh nghiệp”.

Kỹ năng mềm quan trọng như thế nào?

Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Khi bước vào nghề, một nhân viên thiếu các ‘kỹ năng mềm’ như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bán hàng, làm việc nhóm, quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lập kế hoạch… là một hạn chế khiến họ khó có thể hòa đồng và tồn tại lâu..

Bà Trần Kim Hằng, Trưởng Phòng Tuyển dụng Nhà máy P&G, cho rằng trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường đặt những câu hỏi tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với vị trí tuyển dụng nhưng đó lại là cách để “đo” kỹ năng mềm, mức độ thích nghi công việc của ứng viên. Theo bà Hằng, kỹ năng mềm ngày càng được các nhà tuyển dụng coi trọng. Ngoài bằng cấp chuyên môn, việc bổ sung, học hỏi thêm các kỹ năng bổ trợ cho công việc sẽ giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm và giữ được việc làm.

Trước nhu cầu phát triển, hội nhập của Việt Nam với thế giới kinh tế tri thức, với kỷ nguyên Internet đã khiến cho giới hạn địa lý, giới hạn dân tộc ngày càng thu hẹp. Trong thời đại làng toàn cầu, công dân toàn cầu, những kỹ năng mềm (kỹ năng sống) như giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, chấp nhận sự khác biệt, ứng xử đa văn hóa,… càng trở thành hành trang không thể thiếu với bất cứ một người nào, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên - nguồn tài nguyên quan trọng nhất để phát triển đất nước.